CÁC LOẠI DÂY CÂU CÁ CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

Đối với một người mới bắt đầu tìm hiểu bộ môn câu cá, việc lựa chọn loại dây câu phù hợp thật là rắc rối. Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các anh em cần thủ về vấn đề chọn dây câu. Để tháo gỡ được phần nào những thắc mắc đó, tôi sẽ kể ra đây một cách ngắn gọn các loại dây câu phổ biến nhất cùng các đặc trưng của chúng để anh em có cơ sở tham khảo và lựa chọn cho mình loại dây câu phù hợp.

CÓ CÁC LOẠI DÂY CÂU NÀO?

Có ba dây câu chính trên thị trường: MONOFLAMENT (thường gọi là dây nylon, dây cước), FLUOROCARBON (thường gọi là dây carbon, dây tàng hình) và BRAIDED (thường gọi là nhợ, dây PE, dây bện, dây siêu bền).

Mỗi loại có các đặc tính khác nhau nên được sử dụng với các mục đích khác nhau. Bạn nên nắm bắt được những đặc tính cơ bản của 3 loại dây này để việc câu cá đạt hiệu quả cao hơn.

1/ DÂY CƯỚC - DÂY NYLON - MONOFLAMENT

Đây là loại dây câu phổ biến nhất bởi có giá thành đa dạng và cũng là loại rẻ nhất. Dây cước dễ sử dụng và đã có mặt trên thị trường từ rất lâu. Nó dễ thắt nút và dễ quăng dây. 

Đây là dòng dây phù hợp cho người mới bắt đầu. Nếu bạn đang tìm loại dây để phục vụ cho việc câu giải trí, trải nghiệm cùng gia đình trong thời gian rảnh rỗi thì dây cước là một lựa chọn hợp lý. Bạn có thể dùng nó làm dây trục (dây chính) và làm thẻo - đoạn dây kết nối giữa mồi câu và dây trục luôn đều được.

Dây cước là loại dây nổi. Nếu bạn dùng mồi nổi thì nó là một lựa chọn tuyệt vời. Và đương nhiên, nhược điểm của nó là không phù hợp nếu bạn muốn câu đáy. Độ chịu tải của dây cước cũng yếu hơn các dòng khác có đường kính tương tự.

2/ DÂY TÀNG HÌNH - FLOUROCARBON

Dây Fluorocarbon, hay còn gọi ngắn gọn là dây carbon hoặc dây tàng hình. Đúng với cái tên DÂY TÀNG HÌNH, nó ít bị nhìn thấy dưới nước hơn nhiều so với các dòng khác và có khả năng chống mài mòn. Do đó dây carbon thường được dùng làm thẻo. Điều này giúp các loại cá nhát mồi dễ cắn câu hơn. 

Với nhược điểm là cứng hơn và dễ rối, giá thành cũng cao hơn các loại khác nên dây carbon thường chỉ được dùng làm thẻo.

Dây carbon là loại dây chìm nhanh nên phù hợp cho cần thủ muốn câu đáy.

3/ NHỢ - DÂY PE - DÂY BỆN - BRAIDED - DÂY SIÊU BỀN

Đây có thể coi là dòng dây câu cao cấp bởi độ bền và giá thành cao hơn. Độ bền của nó nổi bật đến mức nó còn được gọi là DÂY SIÊU BỀN.

Lõi dây được bện từ nhiều sợi nhỏ và được kí hiệu là X4 (4 sợi bện), X8 (8 sợi bện),.... Nó ít bị rối hoặc gấp khúc nhưng cũng là loại khó thắt nút nhất. Nó cũng dễ bị nhìn thấy dưới nước. 

Dây PE có một ưu điểm đặc biệt là nếu dây bị vướng móc vào cỏ hoặc rong biển, với sức thu dây về bạn có thể cứa đứt vật cản và tiếp tục câu cá. 

Đa số các dòng dây PE đều là loại dây nổi. Ở trong nước càng lâu thì nó càng hút nhiều nước. Khi nó hấp thụ nhiều nước hơn, dây sẽ tự treo trong dòng nước, không nổi cũng không chìm.

 

CÓ LOẠI DÂY CÂU TỐT NHẤT - TOÀN NĂNG NHẤT KHÔNG?

Không có loại dây câu tốt nhất hay toàn năng nhất. Mỗi loại đều có ưu và nhược điểm của nó. Việc lựa chọn dây câu phải phụ thuộc vào loài cá mục tiêu của bạn, điều kiện của vùng nước câu và kỹ thuật câu cá mà bạn sử dụng. Thường thì bạn sẽ phải kết hợp 2 loại trở lên để có hiệu quả tốt nhất: dây nylon hoặc dây PE làm trục và dây carbon làm thẻo. 

Nếu bạn là người mới bắt đầu, tôi khuyên bạn nên dùng dây cước. Nó rẻ và phù hợp với hầu hết các mục đích câu cá. Bạn có thể thử nghiệm với các dòng khác khi bạn có kinh nghiệm hơn hay muốn có những trải nghiệm đặc biệt hơn. 

 

Dây nylon TIGER POWER - một lựa chọn ngon, bổ, rẻ cho những bạn mới bắt đầu.

Vậy là tôi đã giúp bạn hiểu rõ hơn phần nào về ba dòng dây câu phổ biến hiện nay. Chắc hẳn sẽ dễ dàng hơn để bạn chọn được loại dây câu phù hợp với nhu cầu của mình.

Nếu bạn thấy chia sẻ của tôi có ích hay còn có điều gì còn thắc mắc và muốn trao đổi, đừng ngần ngại để lại cho tôi một bình luận. Tốt hơn nữa, nếu bạn có thể mua một sản phẩm nào đó qua đường liên kết trên trang này, tôi có thể nhận được chút hoa hồng làm quà mà bạn không phải là người chịu phí.

Chúc anh em có cho mình những trải nghiệm câu cá vui vẻ!

#CAUCAANSUONG #CAUCANO1 #DAYCAUCA #DAYCAU #NYLON #PE #FLUOROCARBON #CHONDAYCAU